Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

VONG TRON VO SAN : HUY DIET DOI SONG VAN MINH

Đường vòng vô sản
Con đường này đảng Cộng Sản đã đi những bước như sau:
Thứ nhất, trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, đảng CS đã tiến hành cuộc cách mạng vô sản ở miền Bắc từ 1954 đến 1975 với những chính sách vô sản hóa toàn thể xã hội như đã nói trên. Như thế ở miền Bắc thời gian ấy chỉ còn hai thứ giai cấp là giai cấp đảng và giai cấp vô sản gồm nông dân, thị dân và trí thức vô sản. Tất cả đã được vô sản hóa nên toàn xã hội đã lệ thuộc vào đảng và nhà nước. Ở nông thôn thì đảng chấm công điểm, còn ở thành phố thì đảng cấp tem phiếu. Xã hội chỉ có một ông chủ duy vật chuyên chính lấy hận thù giai cấp làm động cơ phát triển, nên cơ chế chính trị và kinh tế vô sản đã tàn phá con người, ác hóa con người như chúng ta đã thấy ở xã hội miền Bắc trước 1975 hay trên cả nước ngày nay.
Thứ nhì, sau khi chiếm xong miền Nam thì tình thế thay đổi. Đảng vẫn dương cao ngọn cờ tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội như mấy việc tập thể hóa ruộng đất và quốc doanh hóa công thương nghiệp như trên đã nói, nhưng đó là đối với dân: Phải làm cho dân thành vô sản, còn đối với đảng viên thì khác. Vào miền Nam, choáng ngợp trước một xã hội giàu có, và nhân cái thế của kẻ chiến thắng, cán bộ CS đã dùng quyền để chiếm đoạt nhiều thứ, từ phụ nữ tới nhà cửa, đất đai. Vơ cho thật nhiều, nhưng vẫn nhân danh là người vô sản đang xây dựng cuộc cách mạng vô sản.
Thứ ba, từ sau Đại Hội VI (12-1986), với chính sách đổi mới thì cán bộ CS đã cùng lật bàn tay với đảng, không cần đeo mặt nạ vô sản nữa mà từ tổ chức đảng đến đảng viên đã liên kết với tư bản nước ngoài, vừa bán tài nguyên, bán đất đai, vừa khai thác bóc lột đám dân vô sản vô quyền trên đất nước mình, và giai cấp đảng đã trở thành giai cấp được gọi tên là giai cấp tư bản đỏ. Vì thế hiện tại VN vẫn là một trong một số nước nghèo nhất trên thế giới với lợi tức tính theo đầu người là 400 Mỹ kim, nhưng giai cấp tư bản đỏ thì đã trở thành triệu phú, tỷ phú mà ký giả Pháp Michel Tauriac trong tác phẩm “Viet Nam: Le Dossier Noir du Communisme” đã dẫn lại ít con số như sau:
“Tạp chí Hongkong Far Eastern Economic Revue cho biết vào năm 1997 trong số đảng viên của đảng CS VN có 1000 người tài sản từ 500 triệu đến 1 tỷ Mỹ kim. Năm 1995, một nhân viên của Phòng Thương Mại Việt Mỹ tiết lộ theo ước lượng thì số tư bản của đảng CS lên đến 20 tỷ Mỹ kim. Con số này ngày nay (2001) phải tăng lên gấp đôi. Các tư bản đỏ cẩn thận dấu đút của cải ở những nơi bí mật, tận các khung trời khác. Theo nguồn tin đáng tin cậy, tạp chí Nhân Quyền, cũng báo cáo vào năm 1996, trong năm năm cuối cùng, các cán bộ cao cấp của đảng đã chuyển ra ngoại quốc đến 10 tỷ Mỹ kim trong các trương mục mở dưới tên của vợ con họ. Và lấy thí dụ một người thân trong gia đình của Đỗ Mười, tổng bí thư đảng, đã có trương mục lên đến nhiều triệu Mỹ kim ở Vancouver , Gia Nã Đại”. (Hồ Sơ Đen CS Việt Nam, Nguyên Văn chuyển ngữ, Văn Mới, 2002, trg 177-78).
Những con số trên đây là chuyện bình thường, vì bây giờ là kỷ nguyên đổi mới với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thời đảng viên làm giàu như ông Võ Văn Kiệt, thời làm thủ tướng đã khuyên: “Chúng ta phải khuyến khích mọi người lo làm giàu”. Và các ông đảng viên đã làm giàu dễ dàng với nhiều cách làm ăn như quan chức nhà nước thì tham nhũng, đục khoét các công trình xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, còn kinh doanh thì có bửu bối “Định Hướng XHCN” cho phép họ giữ độc quyền tung hoành ở bất cứ loại kinh doanh gì. Từ đó chúng ta mới thấy những hiện tượng:
- Chỉ với cấp thứ trưởng như Nguyễn Việt Tiến mà tài sản lên tới 350 triệu đô la.
- Chỉ là con của thủ tướng Phan Văn Khải mà Phan Thanh Hoàng đã trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam .
- Chỉ với cấp tổng giám đốc công trình xây dựng PMU mà Bùi Tiến Dũng chơi cá độ tới 7 triệu đô la và trong bữa tiệc khao mừng được thăng chức, tổng Dũng đã đãi trên 100 quan vô sản bằng 4 vại bia ngâm mỹ nhân mà ông Mai Chí Thọ đã lên án là sự sa đọa làm nhục đất nước.
- Chỉ mới làm chủ tịch nước ít năm như Trần Đức Lương mà tài sản nổi đã có 4 khách sạn 5 sao với hằng trăm hectare đất ở Hà Nội (Cách đây vài năm ông Mai Chí Thọ trong một bài viết nói về sự xuống dốc của đảng có một câu: Vợ TĐL xây nhà to, con Phan Văn Khải làm ăn lớn). Rồi khi bị một đảng viên lão thành chất vấn, chủ tịch Lương đã cười mà rằng: Đảng khuyến khích đảng viên kinh doanh, nên tôi cũng phải lo trước một ít cơ sở làm ăn để về hưu.
Và như thế thì những ông Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng… tài sản còn tới mức nào nữa? Tha hồ! Cách mạng vô sản!
Như thế là trên nửa thế kỷ nay, khi đảng CS lấy ý thức vô sản của chủ nghĩa Marx-Lenin làm kim chỉ nam cải tạo người dân thành con người mới xã hội chủ nghĩa để thực hiện cách mạng vô sản thì đảng bảo đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng con người khỏi những áp bức, bóc lột, nhưng tới khi tổ quốc vô sản sụp đổ, và nền kinh tế vô sản nghèo đói quá, đảng phải trở lại với ý thức tư hữu, làm giàu thì đảng nói là Đổi Mới. Với đảng thì chỉ cần lật bàn tay từ Vô qua Hữu là đảng xóa nửa thế kỷ xây dựng cách mạng vô sản không có tội lỗi gì cả. Nhưng với dân Việt thì nửa thế kỷ đó là nửa thế kỷ núi xương, sông máu, nửa thế kỷ tàn phá hết cơ cấu và tinh thần văn hóa dân tộc. Vì thế dân Việt gọi đó là vòng vô sản oan nghiệt.
III. Về người sống đối với người chết
Nhìn lại nửa thế kỷ xây dựng cách mạng vô sản, chúng ta biết rằng dân Việt đã phải chết qua mấy vòng cho những chương trình cách mạng xã hội chủ nghĩa của đảng CS, mà vòng nào cũng đã kèm theo lớp lớp những xác người oan khiên. Nhưng chỉ vòng cải cách ruộng đất là tàn sát dã man nhất, rõ nhất và nhiều nhất trong một thời gian ngắn, nên còn những con số để các nhà nghiên cứu ước lượng, và theo những bài tính phỏng thì con số không dưới 300.000 người. Vì thế bao lâu nay sách vở chỉ nói nhiều về sự tàn sát trong cải cách ruộng đất năm 1956, đến nỗi bộ “Lịch Sử Kinh Tế VN 1945-2000” xuất bản ở Hà Nội, cũng đành phải ghi con số người bị giết được gọi là nạn nhân là 172.008, trong số đó theo sách có tới 123.266 là những người bị giết oan. (Chuyện Dài Dân Oan, Nguyễn Minh Cần, Thế Kỷ 21, # 222, 10/07).
Từ chuyện nhận là giết oan ở cải cách ruộng đất, rồi tiếp tục giết nữa theo suốt dọc cuộc cách mạng vô sản, rồi từ câu hỏi của Đối Thoại, chúng tôi có ý nghĩ là những người dân chết dưới chế độ CS cần có một ngày giỗ chung của đất nước. Không cần phải đợi tới lúc chế độ toàn trị của đảng CS đã cáo chung, chúng ta mới tổ chức ngày giỗ này mà ngay bây giờ cũng có thể làm được. Đây là một Đại Lễ Tưởng Niệm Những Nạn Nhân Của Chế Độ CSVN mà trong và ngoài nước có thể cùng nhau thực hiện. Chuyện làm chung là khả thi, vì trong nước đã có những tổ chức đấu tranh dân chủ với những tờ báo trên mạng. Còn ngoài nước trên toàn thế giới, chúng ta có tổ chức cộng đồng, tổ chức chính trị với nhiều tờ báo. Chỉ cần thống nhất với nhau về ngày và nội dung buổi tưởng niệm là lễ đó có thể được tiến hành với phương thức: Trong nước thì những tờ báo đấu tranh dân chủ viết bài lên tiếng về lễ tưởng niệm, còn ngoài nước thì các hội đoàn ở từng thành phố ngồi chung lại làm lễ như đã cùng nhau tổ chức nhiều lễ khác trong năm.
Trong những lễ tưởng niệm nạn nhân CS ở các nước Đông Âu, người ta chiêu hồn những người đã bị tàn sát oan ức, và nhắc nhở thế hệ sau tránh tái phạm. Chẳng hạn như trong lễ tưởng niệm ở Butovo ngày 30-10-2007, theo bản tin của Reuters thì Tổng Thống Putin “Đã tỏ lòng kính nhớ đến hàng triệu nạn nhân bị sát hại dưới bàn tay của nhà độc tài Sô viết Josef Stalin và đồng thời kêu gọi cả nước Nga hãy đoàn kết lại để ngăn ngừa không để cái thảm họa của quá khứ được lập lại”.
Nhưng đó là chuyện tưởng niệm nạn nhân CS ở những quốc gia không còn chế độ CS. Còn chúng ta thì làm lễ tưởng niệm khi đảng CS vẫn đang thống trị đất nước. Vì thế, lễ tưởng niệm ngoài việc tưởng nhớ, cầu nguyện cho vong linh đồng bào xấu số được siêu linh, còn có thêm một ý nghĩa khác là nhắc cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ biết lịch sử của đảng CS là lịch sử của những chặng đường giết người để thử nghiệm những chính sách gọi là cách mạng vô sản, mà ở mỗi chặng đường thử nghiệm khi thấy không xong phải thay kiểu khác thì đảng nói là sửa sai hay đổi mới để sau đó tiếp tục tạo thêm những thảm họa khác./.
Ôi! Tổ quốc sa cơ (Phùng Cung)
Diễn Đàn Online Đối Thoại - Tự Do Dân Chủ Cho Tổ Quốc Việt Nam, ngày 11-7-07, đã dịch bản tin: Tổng thống Putin tôn vinh những nạn nhân của Stalin (Putin honors Stalin Victims 70 Years after terror) của hãng thông tấn Reuters ngày 10-30-07. Và cùng với bài dịch này, Đối Thoại đã ghi một câu hỏi: Bao giờ thì đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ nghiêng mình trước vong linh, oan hồn của nạn nhân cải cách ruộng đất và tết Mậu Thân?
Từ bản tin Tổng thống Putin vinh danh nạn nhân của chế độ Cộng Sản Nga và câu hỏi của Đối Thoại, chúng tôi có vài cảm nghĩ, xin ghi lại như sau:
I. Về câu hỏi của Đối Thoại:
Theo chúng tôi hiểu thì Đối Thoại hỏi để mà hỏi, hỏi để nhắc lại tội ác hay hỏi để lên án chế độ Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nhân câu hỏi này, chúng tôi xin phép được trả lời theo sự suy nghĩ của mình là đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ không bao giờ có chuyện nghiêng mình trước vong linh những nạn nhân của chế độ Cộng Sản, vì với những người Cộng Sản thì họ đã tự cho họ là người nắm chân lý lịch sử theo chủ nghĩa Marx-Lenin, nên những việc họ làm là để thực hiện cuộc cách mạng vô sản theo chân lý của ông Marx vẽ ra và những người họ phải giết là kẻ thù của cuộc cách mạng ấy. Tất nhiên không bao giờ có chuyện đảng Cộng Sản nghiêng mình trước vong linh kẻ thù mà họ đặt cho cái tên theo sự sáng tạo của Stalin là “kẻ thù của nhân dân”, nhưng việc tàn sát người dân để thí nghiệm hết chính sách này đến chính sách khác được gọi là cách mạng vô sản theo suốt dọc chế độ là một tội ác sẽ được ghi lại, và rồi đây dân Việt sẽ có cơ hội để làm lễ tưởng niệm mấy trăm ngàn đồng bào xấu số của mình như những nước Cộng Sản cũ ở Đông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi… và Nga đã thiết lập những đài tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản khi những quốc gia này đã xóa bỏ chế độ Cộng Sản trên đất nước họ.
II. Về cách mạng vô sản:
Với nước Nga và các nước Đông Âu thì cách mạng vô sản đã là một thảm kịch mà dân tộc họ đã đi qua, nay họ đứng trước đài tưởng niệm hàng năm là để làm lễ tưởng niệm người chết và để nhắc nhở người sống một điều là đừng để thảm kịch đó tái diễn. Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam, đứa con của một tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã chết, lại làm ngược lại là nhân ngày kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga, từ các cấp lãnh đạo đảng đến báo chí đã hết lời ca ngợi thành quả vĩ đại cuả cuộc cách mạng đó. Chẳng hạn ngày 7-11-07 tại cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã đọc một bài diễn văn dài giảng giải về lẽ tất thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó có những câu: “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã không cáo chung vào cuối thế kỷ 20 như các thế lực thù địch từng mơ tưởng. Thực tế chứng minh đây chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội hiện thực chứ không phải sự sụp đổ của bản thân chủ nghĩa xã hội với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản trong tiến trình lịch sử… Chúng ta vẫn ở trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, được khởi đầu bằng cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại, trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch”. Còn ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì viết những lời rất kiên định trên báo Sài Gòn Giải Phóng: “Càng nghiền ngẫm các văn kiện Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc lần thứ X của đảng, chúng ta càng nhận thức và chiêm nghiệm sâu sắc hơn chân lý của thời đại mới: Đi theo chủ nghĩa Mac-Lênin, đi theo con đường cách mạng Tháng Mười là sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn của Bác Hồ kính yêu. Đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là con đường tất yếu của nước ta”.
Với ông Mạnh và ông Triết thì đảng Cộng Sản Việt Nam đã lựa chọn đúng đường: Đi theo chủ nghĩa Mac-Lênin và cách mạng tháng Mười. Nhưng với dân Việt thì không qua chiêm nghiệm của ông Triết mà qua thể nghiệm thực tế cuộc đời cả nửa thế kỷ qua thì nói rằng trên quá trình đấu tranh xây dựng chế độ, làm cách mạng vô sản và duy trì chế độ, đảng Cộng Sản đã bắt dân Việt đi theo 3 đường vòng của con đường gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa với những đổi thay cùng với chồng chất những xác người, nên dân Việt đã gọi đó là 3 đường vòng oan nghiệt. Nay nhân thời gian đảng Cộng Sản Việt Nam làm lễ chào đón cách mạng tháng Mười Nga, chúng tôi xin thuật lại ít điều về 3 đường vòng này:
1. Đường vòng cải cách ruộng đất:
Trên đường vòng ruộng đất, đảng Cộng Sản đã dẫn nông dân đi qua những đoạn vòng như sau:
- Ở miền Bắc từ 1953 đến 1956, cao điểm là 1956, đảng Cộng Sản đã tiến hành cuộc cải cách ruộng đất gọi là cuộc “cách mạng long trời lở đất” để thực hiện mấy mục đích:
Thứ nhất là tiêu diệt tầng lớp địa chủ, trung nông, cả tiểu nông để tịch thu ruộng đất của họ. Số nạn nhân bị tàn sát theo ước lượng lên tới trên 300.000 người. Còn số của đảng đưa ra trong sách “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000” là 172.008 người.
Thứ nhì là truyền bá ý thức đấu tranh giai cấp, gây lòng căm thù để cho nông dân thấy mình được làm chủ qua việc đấu tố giết địa chủ và được phân chia đất ruộng của địa chủ, từ đó biến nông dân thành một lực lượng đi với đảng để đảng vận dụng.
Thứ ba là sau khi chia đất cho nông dân một thời gian, đảng tiến hành truất hữu ruộng đất của họ qua các chương trình hợp tác hóa nông nghiệp, vô sản hóa nông dân và biến nông dân thành một loại tá điền mới (bị kiểm soát) của nhà nước.
Như thế là ở miền Bắc từ 1954 đến 1965, sau những chương trình hợp tác hóa, đảng Cộng Sản đã thực hiện xong cuộc cách mạng vô sản ở nông thôn. Kết quả là nông dân trở thành nghèo đói với những hợp tác xã cấp thấp, cấp cao, và lạc hậu như dân Việt cả hai miền đã biết sau 1975, nhưng đảng Cộng Sản đã đạt được ưu thế tuyệt đối là có thể kiểm soát nông dân từ đầu đến bụng và có thể vận dụng nông dân theo những gì đảng muốn.
Ở miền Nam:
Sau 30-04-1975, đảng Cộng Sản đã để ra 2 năm nghiên cứu về nông dân và đất ruộng miền Nam. Tới năm 1977, đảng bắt đầu thực hiện chương trình hợp tác hóa nông nghiệp như đã làm ở miền Bắc. Nhưng có lẽ do nhiều yếu tố từ tinh thần nông dân đến tình trạng ruộng đất, vì miền Nam không còn giai cấp địa chủ và đa số đã trở thành tiểu nông qua hai cuộc cải cách ruộng đất thời đệ nhất cộng hòa và đệ nhị cộng hòa, nên đảng Cộng Sản đã không thể làm thêm một cuộc cách mạng long trời lở đất - đấu tố địa chủ và giết nhiều người – mà đã tiến hành bằng sách ôn hòa qua mấy giai đoạn với những biện pháp thuyết phục kèm với những áp lực bao vây cưỡng bách tầng lớp trung nông và tiểu nông có từ 2 đến 5 ha, gia nhập hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Kết quả là đến năm 1985, theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 10-10-1985, ruộng đất miền Nam từ Thuận Hải đến Mũi Cà Mâu đã được tập thể hóa với 622 hợp tác xã và 35.853 tập đoàn sản xuất (Lâm Thanh Liêm, Chính Sách Cải Cách Ruộng Đất Việt Nam 1954-1994. Nam Á, Paris 1995, trg. 136).
Trên tiến trình vô sản hóa dân miền Nam thì việc cải tạo công thương nghiệp đã được giải quyết nhanh qua 2 chiến dịch đánh tư sản vào tháng 9 năm 1975 và tháng 4 năm 1978, còn việc cải tạo nông nghiệp thì phải mất 10 năm. Nhưng trong 10 năm (1975-1986) trong khi miền Nam được xã hội hóa để theo kịp với miền Bắc thì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lụn bại, cả nông nghiệp lẫn công thương nghiệp. Kết quả là nông dân thiếu đói, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm và chợ đen chợ đỏ phát triển ở khắp nơi. Vì thế chính quyền Cộng Sản đã phải lùi ở cả nông, công thương nghiệp để cứu vãn tình thế: Lùi ở nông nghiệp là cho xã viên mướn đất canh tác riêng theo thể thức khoán. Còn lùi ở công thương nghiệp (ở miền Nam) là phải mở cửa cho tư nhân xây dựng những cơ sở sản xuất để giải quyết hàng hoá tiêu dùng và cho phép buôn bán nhỏ. Và chính chuyện khoán này căn bản là trở về với truyền thống làm ăn cá thể, gia đình đã cứu nền nông nghiệp mang danh là xã hội chủ nghĩa. Từ đó với luật đất đai do Quốc Hội biểu quyết tháng 12-1986 và nghị quyết 10 của Bộ Chính Trị ngày 5 tháng 4 năm 1988, đảng Cộng Sản đã luật hóa chính sách khoán, hủy bỏ chính sách sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa, nới rộng thời gian cho thuê đất, và cho phép người thuê có quyền để lại cho con thừa kế phần đất ruộng của họ hoặc nhượng lại cho một nông dân khác.Việc thay đổi chính sách ruộng đất đã kích thích việc gia tăng năng xuất. Nhưng việc công nhận quyền làm ăn cá thể với quyền sử dụng và chuyển nhượng đất đã lập tức tạo ra một tầng lớp cường hào ác bá ở nông thôn là thành phần cán bộ Cộng Sản địa phương đã dùng quyền hành để chiếm những vùng đất màu mỡ cho gia đình và thân thuộc. (Martin Ravallion and Dominique Van de Walle, Breaking up the Collective Farm: Welfare Outcomes of Vietnam’Massive Land, World Bank).
Như thế con đường cải cách ruộng đất của đảng Cộng Sản từ 1953 đến nay là một đường vòng: Diệt làm ăn cá thể để tập sản hóa, rồi lại phải trở về kiểu làm ăn cá thể. Với đảng Cộng Sản thì khi bắt đầu con đường tập thể hóa, đảng gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất, để tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Rồi khi phải trở về với kiểu làm ăn cá thể thì đảng lại gọi đó là Đổi Mới. Nhưng với nông dân thì con đường đó đã thấm đầy máu hận, tan nát và đói khổ, nên người dân đã gọi đó là đường vòng oan nghiệt.
2. Đường vòng công thương nghiệp
Với miền Bắc:
Sau khi tiêu diệt xong tầng lớp địa chủ, trung nông qua cuộc cách mạng long trời lở đất ở nông thôn, năm 1957, chính quyền Cộng Sản tính sổ tầng lớp tư sản thành thị bằng cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ở đây đảng không đấu tố những nhà tư sản dân tộc mà sử dụng sách khuyến dụ là phát động chiến dịch bằng báo chí và những buổi tập họp những nhà tư sản nói về chính sách cải tạo, nói về tội của giai cấp tư sản và nói về sự tự giác cải tà qui chánh. Kết quả cuả chiến dịch tuyên truyền và đe dọa này là các nhà tư sản đã tự nguyện làm đơn xin hiến tài sản, xí nghiệp, nhà cửa cho nhà nước. Trận đánh này đã được tiến hành êm ả và hình như chưa có sách nào ghi lại đầy đủ về sự diễn tiến với những thảm kịch của nạn nhân. Nhưng kết quả thì ai cũng biết là chỉ trong 2 năm (1957-1958) chính quyền Cộng Sản đã xóa bỏ xong tầng lớp tư sản thành thị miền Bắc. Sau 1975, qua những tiết lộ của nhiều người miền Bắc thì trận đánh đó không êm ả mà đầy chết chóc, uất hận với những vụ tự tử, với những cái chết sau đó ít tháng vì u uất, hoảng loạn tinh thần. Đó là chưa kể đến những gia đình tư sản bị đưa lên vùng thượng du như kiểu đi kinh tế mới ở miền Nam mà về chuyện này thì nhiều sĩ quan bị tù cải tạo ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu… đã có dịp thực chứng, vì họ đã gặp nhiều người già hay con cái họ cho biết là gia đình họ đã bị đưa lên núi rừng sau 1954.
Với miền Nam :
Chương trình cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam được thực hiện qua 2 chiến dịch với những biện pháp áp chế khác với biện pháp tuyên truyền, thuyết phục ở miền Bắc. Xin tóm tắt:
Chiến dịch thứ nhất vào tháng 9-1975 với những biện pháp:
- Đổi tiền, 1 đồng mới ăn 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa.
- Giam giữ và tịch thu toàn bộ tài sản của các đại thương gia, kỹ nghệ gia.
- Thực hiện chế độ hộ khẩu để kiểm soát từng người.
- Bắt các gia đình tư sản đi lên những vùng kinh tế mới.
Chiến dịch thứ nhì vào tháng 4-1978 với những biện pháp:
- Đổi tiền đợt thứ nhì.
- Bắt giam và tịch thu tài sản của tư sản mại bản. Mục tiêu chính của trận đánh nhằm vào thương gia gốc Hoa và bắt gia đình họ phải đi kinh tế mới trong vòng 1 tháng.
- Cấm lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh và từ các tỉnh vào thành phố để triệt đường tư thương giữa các tỉnh và tăng cường hệ thống độc quyền quốc doanh.
- Để vét cạn tài sản chìm của giới tư sản, chính quyền đã ra lệnh tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức trong những năm từ 1987 đến 1980 với giá cho người Hoa từ 8 đến 10 lạng vàng, người Việt từ 10 đến 12 lạng. Do đường này mà hàng trăm ngàn người Việt, người Hoa đã thoát khỏi VN để đi Canada , Mỹ và Úc.
Theo nhiều tài liệu được ghi lại thì Đỗ Mười, lúc đó là phó thủ tướng, đã chỉ huy cả hai chiến dịch cải tạo công thương nghiệp miền Nam . Với những kinh nghiệm lão luyện thu được trong mấy năm làm Trưởng Ban Cải Tạo Công Thương Nghiệp ở miền Bắc (1957-58), Đỗ Mười đã sử dụng công an và bộ đội để triển khai trận đánh với những biện pháp:
- Bao vây, cô lập khu thương mại và những gia đình tư sản cỡ lớn nhiều ngày, và đã tận lực đào bới từ trong ra ngoài để tìm vàng ngọc, kim cương…
- Cô lập những người trong gia đình tư sản để thẩm vấn, đe dọa, bắt khai tài sản gồm tất cả của nổi, của chìm.
- Tịch thu tất cả tài sản trong nhà và trong cơ sở buôn bán hay sản xuất của những gia đình tư sản.
- Bắt những gia đình tư sản phải đi vùng kinh mới trong thời hạn một tháng.
Kết quả là sau mỗi trận đánh dân Sài Gòn và Chợ Lớn (có lẽ còn ở những thành phố khác nữa) đã chứng kiến nhiều gia đình tư sản tự tử: Có người treo cổ, có người nhẩy lầu, có người uống thuốc độc. Và trong 2 tháng (4 và 5-1978) 30.500 gia đình tư sản Tp Hồ Chí Minh đã đi kinh tế mới (Lâm Thanh Liêm, đd, trg 96).
Như thế chỉ trong 2 chiến dịch, mỗi chiến dịch chừng vài tháng, là Đỗ Mười đã hủy xong tầng lớp tư sản công thương nghiệp miền Nam đã được xây dựng và tích lũy tài sản và kinh nghiệm từ lâu đời, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có đảng, nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân vô sản. Nhưng thực tiễn cho thấy là sử dụng chuyên chính vô sản để phá hủy thì dễ, còn xây dựng được một xã hội vô sản với con người vô sản theo ý muốn của đảng thì quá khó hay bất khả (muốn làm đúng như thế thì phải giết nhiều người). Thực chứng cho thấy là từ sau 1975, qua cải cách ruộng đất, qua những trận cải tạo công thương nghiệp tư doanh, nền kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa đã đi vào ngõ cụt. Với nông nghiệp thì sản lượng sút giảm, nên dân đói phải ăn độn sắn, khoai và bo bo. Còn công nghiệp thì nhà máy quốc doanh sản xuất quá ít mà phẩm chất của sản phẩm lại quá tồi, nên xã hội thiếu từ cái đinh, quyển vở, chiếc khăn mặt đến bánh sà bông, sản phẩm cao hơn một chút như chiếc lốp xe đạp thì khan hiếm như vàng… Nông và công đã thế thì thương không có gì để nói, ngoài hệ thống chợ đen và chợ trời.
Trong những năm này, theo lời của mấy ông cán bộ trong những bữa nhậu thì để cứu vãn một tình trạng kinh tế khác hẳn những điều đảng vẽ về tính ưu việt của kinh tế xã hội chủ nghĩa, hai ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh đã phá đột phá hàng rào kinh tế giáo điều xã hội chủ nghĩa, bằng cách lùi ở cả nông, công, thương nghiệp:
- Lùi ở nông nghiệp là cho nông dân thuê đất khoán.
- Lùi ở công thương nghiệp là bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ, khuyến khích phát triển kinh doanh theo phương thức 3 lợi ích là lợi ích nhà nước, lợi ích cơ sở và lợi ích cá nhân. Cho tư nhân lập cơ sở sản xuất và được phép bán giá tự do những sản phẩm trên mức chỉ tiêu kế hoạch, người Hoa được phép kinh doanh trở lại và trong các xí nghiệp dùng hình thức khoán sản phẩm để kích thích sức sản xuất của công nhân.
Không biết câu chuyện đột phá của hai ông Linh và Kiệt hư thực và qua mặt trung ương như thế nào, nhưng từ những năm đầu thập niên 1980 trở đi thì Sài Gòn, Chợ Lớn lại có nhiều thứ hàng hóa và dân làm ăn ở Sài Gòn đều biết là Võ Văn Kiệt đã dùng Ba Hòa, một cán bộ Hoa vận, người Triều Châu để thành lập công ty Cholimex, một công ty hoạt động theo kiểu tư bản. Ba Hòa đã liên lạc với một số thương gia Tàu còn ở lại và những người trung gian quan trọng như Triệu Vĩnh Thiệt có họ hàng điều khiển những cơ sở kinh tế ở Hongkong, Singapore, để khai thông việc xuất nhập cảng. Từ đó Cholimex đã nhập cảng nguyên liệu, hóa chất sản xuất, phụ tùng thay thế, máy móc để sản xuất hàng hóa tiêu thụ và đã xuất cảng một só hàng nông sản và hải sản như: Yến, vi cá, mực khô, tôm, cá, hột vịt, hạt sen và gạo ngon... Triệu Vĩnh Thiệt đã tái lập công ty Tân Tiến sản xuất đồ nhựa bằng plastic nhập cảng. Charles Đức, một tiến sĩ có quốc tịch Pháp cũng đã được Võ Văn Kiệt trọng dụng để giao dịch buôn bán với Pháp trong chức vụ Giám Đốc công ty Xuất Nhập Khẩu Nông Sản và Phó Giám Đốc công ty Imex.
Chính sách của Võ Văn Kiệt đã phục hoạt được một số nhà máy cũ, phát triển tổ hợp sản xuất, chế biến các loại hàng hóa tiêu dùng như dệt vải, đồ nhôm, đồ nhựa, đồ điện, sà bông, kem đánh răng, xe đạp, phụ tùng xe đạp… Người Hoa Chợ Lớn đã đi hàng đầu trong việc sản xuất và họ lại làm giàu được kể từ giai đoạn này. Từ 1980 trở đi, hàng hóa của các cơ sở tổ hợp và các nhà máy quốc doanh đã phục hoạt cùng với hàng hóa gửi từ ngoại quốc về đã tạo cho thị trường một màu sắc phồn thịnh. Nhưng giá hàng tăng liên tục và nhà nước với đủ thứ cơ quan kiểm soát vẫn không làm cách nào giữ vững được giá cả thị trường. Tuy vậy, chính sách gọi là phá rào của Võ Văn Kiệt đã đem lại không khí dễ thở cho dân Sài gòn và dân của những tỉnh B2. Sống khó khăn, nhưng còn có thể ăn uống tự do, có thể mua những thứ cần phải mua.
Sau Đại Hội V tháng 4-1982, Võ Văn Kiệt bị triệu ra Bắc làm phó thủ tướng đặc trách Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước, thì Ba Hòa bị hạ tầng công tác, rồi chết. Triệu Vĩnh Thiệt vào tù và Cholimex không được làm ăn độc lập nữa mà phải sát nhập vào Tổng Công Ty Xuất Khẩu Miền Nam . Tuy vậy, khi Nguyễn Văn Linh thay Võ Văn Kiệt vẫn duy trì hệ thống tổ hợp sản xuất, phát triển cách làm ăn của ông Kiệt và trở thành một bộ mặt có giá của phe cải cách, được toàn thể các tỉnh B2 ủng hộ, mặc dù ở Đại Hội V, Nguyễn Văn Linh đã bị loại khỏi Bộ Chính Trị.
Nhưng từ 1983, khuynh hướng bảo thủ thắng thế ở Đại Hội V đã đề ra những chính sách cứng rắn, quyết tâm trở lại con đường xã hội hóa triệt để với những biện pháp xiết chặt cả nông, công, thương nghiệp đã lại đưa xã hội vào những khủng hoảng mới, và nghị quyết 8 về thay đổi giá, lương, tiền, chống quan liêu bao cấp với cuộc đổi tiền lần thứ ba tháng 9-1985 (1đồng mới ăn 10 đồng cũ) đã là một đòn chí tử đưa toàn quốc vào một tình trạng đại loạn giá cả. Sau khi đổi tiền, suốt ngày toà án nhân dân xử án tại chợ, kết những bản án tù 6 tháng, 12 tháng, 1 năm, 2 năm… về tội loan tin thất thiệt, bán quá giá một con gà, một ký gạo, vài quả trứng mà số tiền bán quá giá chỉ khoảng vài đồng hoặc vài chục và loa phóng thanh khắp thành phố loan tin sáng, trưa, chiều những án tù này. Trong khi đó cửa hàng nhà nước tăng giá vô tội vạ. Xin kể vài thí dụ: Một chiếc giỏ chợ bằng nhựa giá từ 75$ tăng lên 150$, rồi 200$, một trứng vịt từ 8$ tăng lên 15, rồi 18$, bó rau muống 5$ tăng lên 10, 15$, một chiếc lốp xe đạp Đồng Nai giá 150$ tăng lên 250$. Thêm một điều nữa là tất cả cửa hàng đại lý bán lẻ (bán hàng nhà nước ăn hoa hồng) đã làm giàu nhanh chóng, vì họ đi lấy hàng về giấu đi, chỉ bán tượng trưng, chờ 2, 3 tuần sau, giá tăng lên gấp mấy lần mới tung ra bán. Các xí nghiệp ngưng sản xuất, không dám xuất hàng. Các cấp lãnh đạo tỉnh kêu than là Trung Ương đã đem đến cho họ sự hỗn loạn, đình đốn không thể nào giải quyết được. Đảng viên nghe loan tin những bản án thì phẫn nộ chửi thề: Kết án mà không biết xấu hổ, chỉ biết bỏ tù người ta, còn sự tăng giá của nhà nước như thế toà án nào xử?
Trước tình trạng suy sụp đại loạn đó, nhà nước Cộng Sản không thể lý luận bào chữa, đổ lỗi cho những yếu tố khách quan như họ vẫn thường làm mà đã nhận sai lầm. Từ đó chiến dịch phê bình, học tập sự sai lầm này đã được phát động trên toàn quốc. Trong chiến dịch học tập, Nguyễn Văn Linh đã có một bài nói chuyện phân tích về sự sai lầm trong đường lối lãnh đạo kinh tế (bài nói chuyện không phổ biến ra báo chí). Trong đó, ông phê phán đường lối lãnh đạo kinh tế của Trung Ương đã đưa nền kinh tế Việt Nam tới vực thẳm, đưa đến sự khốn cùng cho nhân dân và cán bộ, làm mất niềm tin vào đảng. Theo ông Linh, trong cải cách ruộng đất, vì theo kiểu làm của Trung Quốc, Trung Ương đã phạm sai lầm (ám chỉ phê phán Trường Chinh). Đi theo con đường làm ăn cũ, Trung Ương đã tiếp tục phạm nhiều sai lầm khác. Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã đổi mới đường lối lãnh đạo kinh tế. Liên Sô cũng đã thay đổi đường lối kinh tế. Đã đến lúc chúng ta cũng phải thay đổi. Xin dẫn một câu nguyên văn trong bài “Nền kinh tế này không phải còn ở bên bờ vực thẳm mà thật sự đã ở dưới vực thẳm. Chúng ta phải tìm cách nhảy lên không sẽ chết”.
Như thế chính từ trong cơn khủng hoảng này mà chuyện đổi mới tư duy thành cao trào trong đảng, chẳng hạn đến như Trường Chinh, tổ sư của hàng lãnh đạo giáo điều bảo thủ mà trong Đại Hội Đảng Bộ Hà Nội ngày 19-10-1986 cũng lớn tiếng phê phán những thứ gọi là sai lầm ấu trĩ tả khuynh, duy ý chí, làm trái quy luật khách quan, lên án cách nghĩ, cách làm cũ và kêu gọi đổi mới. Từ đó đảng Cộng sản đã đem đường lối đổi mới vào Đại Hội VI (12-1986) được gọi là Đại Hội Đổi Mới và Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí Thư để theo gương Gobachev, thực hiện đổi mới ở Việt Nam . Vì thế từ sau Đại Hội VI, Đại Hội Đổi Mới Kinh Tế, thì đảng Cộng Sản đã bớt dùng những thủ đoạn xiết rồi buông – buông rồi xiết ở kinh tế, như ở nông nghiệp thì trước đó chế độ khoán cũng đã chịu số phận thăng trầm theo hướng tăng lợi cho đảng. Đặc biệt về công thương nghiệp thì đảng đã quay một bước lớn là đối nội thì khuyến khích làm ăn cá thể, hủy bỏ ngăn công cấm chợ để thông thương hàng hóa, còn đối ngoại thì chính thức mở cửa giao thương với các quốc gia không Cộng Sản bằng bộ luật đầu tư được Quốc Hội biểu quyết tháng 12-1988. Với luật đầu tư 1988, chính quyền đã kêu gọi tư bản nước ngoài vào đầu tư và dành cho xí nghiệp nước ngoài nhiều đặc quyền như cho phép làm chủ xí nghiệp đến 100% vốn đầu tư và không bị quốc hữu hóa. Từ đó, luật đầu tư 1988 được nâng cấp dần để thu hút tư bản nước ngoài và đảng Cộng Sản đã độc chiếm quyền làm ăn với tư bản nước ngoài, thiết lập một hệ thống tư bản của thành phần cán bộ cao cấp để thành giai cấp tư bản đỏ, rồi tiến tới việc chính thức cho phép đảng viên phát triển kinh doanh tư nhân.
Nhìn lại những việc thay đổi này, chúng ta thấy khi đảng sử dụng chuyên chính vô sản xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân, vô sản hóa dân thành thị với những trận đánh đào tận nền, tận móng, rồi chính sách theo dõi toàn thể xã hội để không cho mầm mống tư sản ngóc đầu dậy trong suốt trên 30 năm (trồng vài chục cây thầu dầu ở khu vườn nhỏ sau nhà để nuôi gà cũng bị kết tội là nẩy mầm tư sản) thì đảng gọi là làm cách mạng vô sản, là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Rồi từ năm 1986, phải trở về với công thương nghiệp tư nhân, phải mở cửa làm ăn với những quốc gia tư bản hạng nhì như Đài Loan, Singapore và Đại Hàn mà trước đó đảng đã mạt sát là bọn tay sai tư bản, thì đảng gọi là Đổi Mới. Chỉ với một quyết định lật bàn tay từ giã kiểu làm ăn cũ là đảng xoa tay hân hoan chào đón kiểu làm ăn tư nhân, chào đón tư bản thế giới, nhưng với dân Việt thì mấy chục năm đó là mấy đời người bị làm tình làm tội, chết đi sống lại, đói khổ và tù đày, còn với đất nước thì con đường vô sản của đảng đã hủy diệt nhiều tầng lớp tư sản, tiểu tư sản tinh hoa của dân tộc. Vì thế dân Việt gọi đó là đường vòng oan nghiệt.

BAO CHI CUA CHE DO DOC DANG : PHAI TUYEN TRUYEN MOT CHIEU, DOI TRA, DAO DUC GIA

Cùng Hạ Bức Tường Bưng Bít Thông Tin Của "cộng phỉ"

Đúng ngày đầu năm dương lịch 2009, 2 tổng biên tập của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ ở trong nước bị giải nhiệm khỏi chức vụ hiện hành. Đó là Lê Hoàng, tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ và Nguyễn Công Khế tổng biên tập của tờ Thanh Niên. Việc thay thế hai nhân sự này được thực hiện dưới hình thức "không tái bổ nhiệm" để tránh tạo xao động trong dư luận, tuy nhiên, mọi người đều biết rằng việc giải nhiệm này đã có những nguyên nhân xâu xa từ trước, như ông Lê Hoàng tuyên bố khi nhận "quyết định không bổ nhiệm", rằng ông "không cảm thấy điều gì khó khăn khi nhận quyết định vì cũng hiểu sự việc, nguyên nhân của nó".

Thực ra không phải chỉ có 2 nhân vật nói trên bị giải nhiệm trong dịp tết dương lịch. Tin tức cho biết thêm ông Nam Đồng, tổng biên tập tờ Pháp Luật ở Sài Gòn cũng về hưu từ ngày đầu năm; bà Nguyễn Minh Hiền thôi giữ chức tổng biên tập tờ Doanh nhân SaiGon ba tuần trước đó. Tuy nhiên, những thay đổi này không tạo nhiều chú ý trong dư luận như những vụ đặc biệt xẩy ra gần đây. Vào tháng 8-2008, nhiều nhà báo bị thu hồi "thẻ hành nghề", trong đó có phó tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong; phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Bùi Văn Thanh; tổng thư ký báo Thanh Niên Huỳnh Kim Sánh, va? trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội Dương Đức Đà Trang…. Cục Báo chí thuô?c Bộ 4T (Thông tin và Truyền thông) nói rằng những người này vi phạm kỷ luật vì đã đưa ca?c thông tin "kích động phản đối hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật". Sự thật, họ đã viết bài phản đối việc bắt giữ hai pho?ng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải vì loan tải những tin tức liên quan đến vụ tham nhũng PMU 18…

Dưới chế độ cộng sản, tất cả những cơ quan truyền thông đều bị kềm kẹp bởi bàn tay sắt của đảng. Ở Việt Nam hiện nay có trên 700 tờ báo in cũng như báo điện tử, cộng thêm các đài phát thanh, truyền hình… đều chỉ được phép nói lên một tiếng nói duy nhất, đó là đường lối, chủ trương của đảng cộng sản. Để phục vụ mục tiêu này, tiêu chuẩn của truyền thông quốc doanh không phải là "vô tư, trung thực" như trong mọi xã hội dân chủ, mà là "bóp méo, ngụy tạo, xuyên tạc" mọi việc khi đưa đến quần chúng. Cách thức thông tin dối trá đã trở thành quy luật mà cán bộ tuyên truyền của cộng sản phải triệt để tuân theo, nếu không muốn bị đào thải ra khỏi guồng máy.
Cũng để bảo vệ cho bức tường bưng bít thông tin, CSVN đã đẻ ra rất nhiều đạo luật cũng như cơ chế để trói chặt hàng ngũ cán bộ truyền thông. Đầu năm 2008, bộ 4T là cơ quan mang chức năng quản lý tất cả những báo, đài ở Việt Nam đã phải thành lập thêm 3 cơ quan mới để siết chặt thêm việc quản lý, đó là cục Thông Tin Đối Ngoại để phụ trách các thông tin từ Việt Nam đưa ra bên ngoài, cục Phát Thanh - Truyền Hình & Thông Tin Điện Tử để quản lý các đài phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng internet, về cục An Toàn Thông Tin để kiểm soát nội dung thông tin cũng như đối phó với những cơ quan hay ký giả nào đưa tin "sai đường lối".

Về phương diện luật lệ, báo chí quốc doanh bị ràng buộc bởi luật Báo Chí ban hành từ tháng 12-1999, dù đã nhiều lần sửa đổi và sẽ được sửa đổi thêm nữa trong năm 2009, nhưng vẫn không thoát ra được 2 vấn nạn lớn: thứ nhất là quan niệm sai lầm khi coi vai trò của báo chí là để "xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam"; và thứ nhì là việc suy diễn tùy tiện, độc đoán, của các cơ quan hữu trách. Để đối phó với việc phát triển của các blogs trên mạng internet, vào tháng 7-2008, CSVN đã ban hành một loạt các nghị định, thông tư để siết chặt việc quản lý các trang nhật ký điện tử cá nhân. Chính sách kềm kẹp nói trên đã đưa Việt Nam vào vị trí 1 trong 10 nước đứng hàng chót trên thế giới về tự do báo chí. Theo bản phúc trình năm 2007 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF thì Việt Nam đứng hạng 162 trên 169 quốc gia được khảo sát. Với những cuộc đàn áp báo chí tồi tệ diễn ra trong năm 2008 thì thứ hạng này sẽ là 1 trong 5 nước cuối bảng.

Những cuộc đàn áp không phải mới diễn ra, mà đã rất nhiều lần trong quá khứ. Chỉ tính từ khi CSVN thực hiện chính sách gọi là "đổi mới", vào cuối thập niên 80 đã có những cuộc thanh trừng cán bộ hàng đầu của nghành báo chí. Đáng kể nhất là những trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc bị cất chức tổng biên tập tờ Văn Nghệ vào cuối năm 1988 vì cho đăng tải những tác phẩm đòi "cởi trói"; năm 1990 Kim Hạnh mất chức tổng biên tập báo Tuổi Trẻ vì phanh phui cuộc đời tình ái của Hồ Chí Minh; năm 1997, chủ bút báo Doanh Nghiệp Nguyễn Hoàng Linh bị cách chức vì đăng bài tố cáo các viên chức quan thuế tham những; năm 2001 tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Văn Nuôi bị cách chức vì đăng kết quả thăm dò dư luận cho thấy Bill Clinton được yêu thích hơn Hồ Chí Minh; năm 2004 tổng biên tập Trương Đình Anh của báo điện tử VnExpress bị mất chức vì phê bình gay gắt việc nhà nước mua gần 80 chiếc xe Mercedes đắt tiền để dùng cho hội nghị thượng đỉnh ASEM; năm 2005 phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ bị sa thải vì đăng phóng sự tố cáo tình trạng thao túng thị trường thuốc tây, và trang nhà tintucvietnam.com bị đóng cửa vĩnh viễn vì "hoạt động trái pháp luật"; năm 2007 hai phó tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh bị buộc thôi chức…

Trên đây chỉ là một số những vụ lớn, được dư luận biết đến nhiều. Nó cho người ta thấy bức tường bưng bít thông tin của cộng sản luôn bị thách đố bởi chính những cán bộ trong hàng ngũ của chế độ. Những người này còn có trí óc và con tim, không chấp nhận phục vụ cho dối trá và cường quyền. Những trường hợp phản kháng từ ngay trong hàng ngũ đã bộc phát mạnh mẽ nhất trong năm 2008, cao điểm là vụ bắt giữ và xét xử 2 phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên là Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, và sa thải những bạn đồng nghiệp của họ. Khác với thái độ sợ hãi, thủ thân như trong thời gian trước, ngày nay, nhiều cán bộ trong làng báo quốc doanh đã hiên ngang đối diện với sự thật, phơi trần những sự việc thối nát trong hàng ngũ thượng tầng, cũng như tương thân, đoàn kết khi bị nhà nước trấn áp. Về vụ tham nhũng PCI, trong khi nhiều báo quốc doanh im tiếng, thì tờ Tuổi Trẻ đăng tin vụ xét xử của toà án Nhật Bản, nêu đích danh kẻ nhận hối lộ là Huỳnh Ngọc Sỹ, lại đúng ngày Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trước quốc hội bù nhìn để bao che về vụ này. Khi 2 phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt giữ, tờ Thanh Niên đã đặt vấn đề ngay trên trang nhất. Nhiều phóng viên khác lên tiếng phản đối việc bắt giữ. Những điều này chưa hề xẩy ra trong quá khứ.

Đứng trên quan điểm dân tộc, dù phát xuất từ bất cứ vị trí nào, những hành động chống đối độc tài, cổ súy dân chủ, đều là những nỗ lực đáng trân trọng và đóng góp qúy giá cho tương lai của đất nước. Dáng đứng thẳng của Nguyễn Việt Chiến đã được người Việt trong và ngoài nước đồng tâm ca ngợi. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã nêu tên ông trong danh sách đề cử giải "phóng viên của năm 2008" vì có hành động tranh đấu cho quyền tự do thông tin. Những người đứng thẳng sẽ còn nhiều thêm nữa, cho dù chế độ mạnh tay thanh trừng như những vụ bãi chức, sa thải liên miên vừa qua. Đó chính là những vết rạn nứt xuất hiện trên bức tường bưng bít thông tin của chế độ.

Những vết nứt này sẽ còn được khơi mở thêm bởi những mũi tiến công khác từ phiá ngoài. Những báo "chui" như tờ Tự Do Ngôn Luận đã trụ vững được gần 3 năm nay, liên tục mang đến cho đồng bào trong nước những nguồn thông tin trung thực. Thái độ bất khuất của 8 giáo dân Thái Hà khởi kiện đài truyền hình nhà nước và báo Hà Nội Mới… Thêm vào đó, với tiến bộ của lãnh vực thông tin điện tử, hàng ngàn, ngàn các trang nhật ký cá nhân sẽ có triển vọng nhân rộng trong năm 2009, để mang thông tin đa dạng tràn ngập khắp nơi, giúp người dân hiểu rõ được sự thật đằng sau bức tường bưng bít của nhà nước. Khi bức tường này bị hạ như bức tường ô nhục Bá Linh, cũng là lúc một tấm khiên che cho chế độ độc tài bị mất đi, giúp làn sóng tự do dân chủ sớm đến với dân tộc Việt Nam. Đó là triển vọng khởi đi từ ngày đầu năm dương lịch.