NHẬN DIỆN BẢN CHẤT DỐI TRÁ CỦA CSVN
Lê Thiên
Vụ đất đai Tòa Khâm sứ ở Hà Nội và khu vực Giáo xứ Thái Hà của Dòng Chúa Cứu Thế cũng ở Hà Nội đã sôi sục trong nhiều tháng qua. Một bên nêu bằng cớ về chủ quyền của tài sản và giáo dân tập họp cầu nguyện trên khu vực tài sản của Giáo Hội mình, một bên là các quan chức chính quyền vẫn lập trường đảng ta “trước sau như một” được phương tiện truyền thông chính quy hà hơi tiếp sức, tranh đoạt bằng lý lẽ của kẻ mạnh! Thay vì chân thành “đối thoại” với nhau, kẻ cai trị dùng mưu ma chước quỷ tạo nên một cuộc “đối chọi” hầu có cớ chụp mũ, quy lỗi, kết tội kẻ bị trị. Và cuối cùng “la raison du plus fort est toujours la meilleure – Lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng thế”.
Chưa hết! Ngày 23/9/2008 Ủy ban Nhân dân thành phố còn gửi văn thư số 1437/UBND-NC cho Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) yêu cầu “xem xét, xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh theo qui định của Giáo hội đối với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, linh mục Vũ Khởi Phụng, các giáo sĩ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong.”
- Ngày 25/9/2008, HĐGMVN gửi thư phản bác văn thư trên với câu trả lời lịch sự ngắn gọn: “HĐGMVN thấy các vị này không có làm gì ngược lại Giáo luật hiện hành của Giáo hội Công Giáo.”
- HĐGMVN đã tế nhị không đả động gì đến thái độ trịch thượng ngu xuẩn của quan chức ký văn thư trong kiểu cách nhảy xổm vào nội bộ của tôn giáo kiểu đảng ủy ra lệnh cho chính quyền.
Nhưng người dân thì ngẫm nghĩ cười thầm trước thái độ hống hách của mấy ông quan Cộng sản Hà Nội khi nhớ lại lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Khải: “Cái buồn cười là cái trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất.” Rồi ông nhà văn đã phải tự khai rằng: “Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa.”
Thiết tưởng, văn thư số 1437/UBND-NC của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đủ bộc lộ tư cách, phẩm chất và giá trị con người đã đẻ ra nó, chẳng cần phải bàn cãi gì thêm.
Điều đáng ghi nhận là cùng với thư trả lời cho cái văn thư quái đản số 1437/UBND-NC kia, HĐGMVN còn công bố một văn bản bày tỏ “Quan điểm của Hội Đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay.”
Trong bản quan điểm này HĐGMVN nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến “tình hình khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa đáng” mà “nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại thêm.” Bên cạnh đó “một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ” cũng như “một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực, và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội.”
Có lẽ chẳng phải đến bây giờ HĐGMVN mới nhận ra các điều trên đây. Nhưng đây dường như là lần đầu tiên, bằng văn thư chính thức, HĐGMVN nói thẳng với nhà cầm quyền và toàn dân Việt Nam quan điểm của mình về “những điều nhức nhối trong lương tâm” không thể không nói ra.
HĐGMVN đưa ra lời cảnh báo: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này”
Bản chất dối trá của Cộng sản
Ông Mikhail Gorbachev, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đã từng lên tiếng công khai: “Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản; nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo.” Phải chăng đó là lời cảnh giác về căn tính gian manh cố hữu của Cộng sản?
Đức Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận kể một mẫu chuyện dí dỏm về chính ngài và Đức Hồng y Trịnh Văn Căn vào thời gian ngài còn là Tổng Giám mục tù nhân CS bị quản thúc tại Hà Nội như sau:
Có một lần Đức Hồng y Trịnh Văn Căn gặp riêng Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận. ĐHY Căn hỏi thăm về cuộc sống cùa Đức Tổng Thuận trong thời gian mất tự do. Sau khi nghe Đức Tổng Giám mục Thuận thuật lại cuộc sống trong tù của mình, ĐHY Trịnh Văn Căn tấm tắc khen và tò mò hỏi:
- Như vậy ở trong đó, Đức Tổng chắc khỏi phải sợ phạm tội gì cả.
Đức Tổng Thuận trả lời:
- Dạ thưa Đức Hồng Y, cũng có phạm tội chứ! Chẳng hạn mình đang mệt mà cán bộ hỏi thì mình cũng phải nói khỏe. Mình đang đói mà cán bộ hỏi, lại phải nói no, hay đang buồn cũng trả lời vui… Chỉ có tội nói không thật là hay phạm thôi.
Đức Hồng Y Căn khoát tay và nói:
- Chúng ta đều phạm tội như nhau.
Quả vậy, sống trong đất nước xã hội chủ nghĩa, mọi người – kể cả người ở trong tù lẫn ở ngoài nhà tù - đều bị bắt buộc phải NÓI DỐI, bất luận anh là ai, là giới chức nào, thuộc thành phần nào! Nói dối vì bị ép phải nói dối như bị ép cung. Ai đã sống ít nhiều thời gian dưới chế độ Cộng sản cũng đều có kinh nghiệm bi-hài này.
Như vậy lời cảnh báo của HĐGMVN là đúng đắn.
Qua các diễn biến khiếu kiện gần đây của người dân cũng như của tôn giáo, các cách đối phó lưu manh tráo trở, lật lọng, vu khống trắng trợn của các cơ quan chính quyền Cộng sản càng ngày càng lộ rõ.
Cộng sản = Lưu manh, gian dối
Thật ra, tại Việt Nam chẳng phải đến bây giờ người dân mới nhận rõ bản chất lưu manh của Cộng sản Việt Nam.
Từ hơn 60 năm về trước, nhiều văn nhân trí thức ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng đã từng lên tiếng báo động về căn tính dối trá của Cộng sản. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức từ Pháp trở về Bắc đầu phục chính quyền Cộng sản Việt Nam vào đầu thập niên 50, đến năm 1956 thì bị nhà nước CS miền Bắc đày đọa chỉ vì dám lên tiếng góp ý thẳng thắn về những sai sót trong cơ chế xã hội thời đó.
Về cuối đời của mình, Ls Nguyễn Mạnh Tường đã phải kêu lên: "Cộng sản sống bằng sự dối trá, giả hình, nhưng cái sai lầm của nó là đặt sự tàn bạo của nó trên những vẻ bề ngoài hư ảo mà nó giải thích theo ý mình và dùng để tiêu diệt những kẻ mà nó gọi là kẻ thù" (Kẻ bị khai trừ, trang 147). Luật sư Tường kết luận: "Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của họ [= Cộng sản] chưa hề thấy trong lịch sử loài người" (sđd như trên).
Ông Tường vạch rõ: "Thế giới Việt Nam là thế giới đóng cửa, cũng như toàn thể cái thế giới cộng sản vậy. Ở bên trong người ta tự cho phép làm những việc không thể tưởng tượng được, bách hại dã man, điên rồ bỉ ổi. Không ai dám nhìn vào bên trong cái hỏa ngục, trong đó diễn ra những tội ác chỉ có trong thời kỳ thế mạt, làm mất hết nhân phẩm, nhân tính" (trang 134).
Bưng bít, che đậy và sự dối trá của Cộng sản còn được một cựu cán bộ kháng chiến - nhà văn Xuân Vũ [2] - xác định trong cuốn Đồng Bằng Gai Góc của ông:
"Đảng cộng sản sinh ra để làm hai việc: Nói láo và làm bậy. Hễ chúng nói là nói láo, hễ làm là làm bậy" (sđd, trang 335). Và ông thẳng thắn tố giác:
"Bàn tay ác hại của đảng mó tới đâu, máu đổ tới đó" (sđd trang 76).
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu có thể sai nhiều điều, nhưng chắc chắn ông luôn luôn đúng khi căn dặn mọi người: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.”
Ông Phạm quế Dương, cựu Đại tá cộng sản, cựu Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu lịch sử Quân đội Nhân dân cũng nói: “Cộng sản vừa bất tài, vừa bất lực và vừa bất lương.”
Trả lời cuộc phỏng vấn của Thanh Niên ngày 20/5/2006, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH/CSVN Trần Quốc Thuận phát biểu: "Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Mọi người nhận lương đó, nhưng mà có ai sống bằng lương đâu! Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành 'đạo đức', mà cái 'đạo đức' đó là rất mất đạo đức. Đấy là một cái nguy, nhưng tôi thấy ít người quan tâm, chỉ chăm chăm vào vụ tham nhũng này, vụ tham nhũng kia" [3]. (Bài phỏng vấn có nhan đề “Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày").
Cái 'đạo đức' rất mất đạo đức phát sinh từ cái thói “có nói không, không nói có” , nó lưu thông trong huyết quản của hầu hết quan chức Cộng sản, kể cả lãnh tụ “thần thánh” họ Hồ của họ.
Xin đan cử một trong rất nhiều bằng chứng mà sách báo đã vạch ra về biệt tài nói dối của ông Hồ.
Biệt tài nói dối của Hồ lãnh tụ
Chúng tôi muốn đề cập đến quyển "Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch" xuất hiện từ mùa xuân năm 1948. Cuốn sách ghi tác giả tên là Trần Dân Tiên. Thế nhưng, theo Phương Nam Đỗ Nam Hải [4], vào năm 1985, giáo sư Hà Minh Ðức đã xuất bản cuốn “Những Tác Phẩm Văn Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” trong đó có đoạn: ‘‘…Ðáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào và bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ Tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch…’’ . (Hà Minh Ðức, sách đã dẫn, Tr 132, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985). Thì ra, Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh.
Tác giả viết tự truyện và chọn một bút hiệu, điều đó chẳng có gì là sai trái. Nhưng khi Hồ Chí Minh dùng bút danh Trần Dân Tiên để viết sách tự đề cao mình, tự ca tụng mình thì thật là một trò lưu manh giảo hoạt khó mà chấp nhận. Chẳng hạn, những câu sau đây: ‘‘…Bác Hồ của chúng ta vô cùng khiêm tốn; Bác không muốn kể cho ai nghe về hoạt động của mình". "Bác Hồ được nhân dân ta coi là cha già của dân tộc". "Bác còn vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo vì đã đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa…’’ !
Tự đưa mình lên đỉnh trời cao, tự thần hóa mình thì đó là tự cao tự đại hay là khiêm nhường? ‘‘…Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta với đức tinh khiêm tốn nhường ấy và đang lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được?…’’
Chữ N (Người) bằng chữ hoa ! Thần thánh đấy!
Quyển sách mang tên tác giả Trần Dân Tiên ấy xuất hiện từ năm 1947! Có nghĩa là từ thời đó Hồ Chí Minh đã tự tôn mình làm “cha già dân tộc” trước khi bắt dân chúng suy tôn mình. Hồ Chí Minh huênh hoang tự cho mình “vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Đạo” chứ có người dân nào tung hô ông như thế đâu! Tất nhiên trừ đám bộ hạ của ông ra.
Chủ tịch nước nói dối
Ngày 06/07/2007, báo Tuổi Trẻ cho rằng “chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, từ ngày 18 đến 23-6, được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của giới truyền thông Hoa Kỳ. Tuổi Trẻ trích giới thiệu cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Hãng truyền hình CNN vừa được phát trên báo Nhân Dân điện tử ngày 4-7.” Trong bài phỏng vấn ấy, CNN nêu câu hỏi về vụ bắt bớ, bỏ tù Linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Nguyễn Minh Triết trả lời: “Ông ta [lm Nguyễn Văn Lý] vi phạm pháp luật VN. Đây hoàn toàn là vấn đề pháp luật, không phải là vấn đề tôn giáo. Việc xét xử ông ta được Hội đồng giám mục VN và Tòa thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi.”
Rồi khi đàm đạo với bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, ông Triết lại lặp lại: “Nếu như bà nói rằng chúng tôi vi phạm tôn giáo thì trong sự kiện này, người đáng lẽ phải lên tiếng mạnh mẽ nhất phải là Hội đồng giám mục ở VN. Nhưng trong vụ xử công dân Nguyễn Văn Lý thì Hội đồng giám mục VN lại hết sức đồng tình, ủng hộ.
Các vị có thể nghi ngờ Hội đồng linh mục không dám lên tiếng nhưng chính Tòa thánh Vatican, nơi quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các linh mục trên toàn thế giới, trong trường hợp này cũng đồng tình ủng hộ Chính phủ VN. ”
Ngay hôm sau, ngày 07/7/2007, HĐGMVN lập tức gửi thư minh xác về lời tuyên bố của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết như sau: “Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ‘Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi’ là không đúng sự thật.”
Sau đó chẳng hề thấy phía nhà cầm quyền VN “phản hồi” thư minh xác của HĐGMVN. “Không đúng sự thật” là gì nếu không phải là nói dối? Chủ tịch một nước mà lại đi nói dối trắng trợn trước một cơ quan truyền thông quốc tế (CNN) và với một giới chức chính trị cao cấp của nước Mỹ, thì nhục hay vinh? Đáng tự hào hay đáng hổ thẹn?
Thảo nào trong chế độ Cộng sản ở Việt Nam, dối trá chồng chất dối trá, lưu manh tiếp nối lưu manh, từ thế hệ này sang thế hệ khác! Trong mọi lãnh vực, mọi cơ cấu đảng và nhà nước cộng sản!
Phát huy cơ chế nói dối
Các quan chức Cộng sản biện luận rằng, trên thế giới ở đâu lại chẳng có người nói dối, cấp lãnh đạo các nhà nước gọi là dân chủ Âu Mỹ không nói dối sao? Vâng, những người làm chính trị và nhất là những kẻ nắm quyền trị nước là những người nói dối và cố tình che đậy sự thật nhiều nhất. Nhưng trong các nước dân chủ Âu Mỹ, sự thật càng che đậy, truyền thông càng soi mói lôi hết ra ánh sáng cho công luận phán xét. Ông George Bush Cha chỉ làm Tổng thống được một nhiệm kỳ 4 năm rồi bị dân Mỹ cho về vườn chỉ vì đã nói nhiều điều không thật mà còn lên gân bảo người ta hãy “đọc trên môi tôi đây” . Ông Clinton đã từng giấu giếm chuyện ông dan díu với cô sinh viên tập sự Monica Lewinski, lại còn cả quyết mình “không bao giờ, không bao giờ…” khiến truyền thông Mỹ đánh ông tơi bời, lôi chuyện ông làm tình với cô hay bắt bồ với cô khác mà bêu rếu. Hai câu nói của hai ông cựu Tổng thống truyền thông Mỹ không ngừng đem ra chế giễu mỗi khi có dịp.
Còn tại nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo cứ nói dối, truyền thông Nhà Nước (trong nước cho có mỗi một thứ truyền thông này mà thôi) cứ che đậy những mưu đồ đằng sau sự dối trá, cứ thổi phồng tài năng, đức độ và thành tích siêu quần bạt chúng của lãnh đạo, thì làm sao lãnh đạo các cấp không say ngủ trong “thắng lợi vẻ vang” mà tiếp tục gia tăng lừa dối cùng dùng mọi thủ đoạn lưu manh hèn hạ để khủng bố bịt miệng những ai cả gan dám nói lên sự thật đụng chạm tới bản thân họ, tức cũng có nghĩa là phạm tội chống đảng, tội phản động.
Toàn bộ truyền thông (báo in, truyền hình, truyền thanh) trong nước đều là TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC, là sản phẩm độc quyền của Đảng và nhà nước (vì cấm báo tư nhân). Nó có nhiệm vụ làm nên những cái LOA của lãnh đạo và của chủ nghĩa chuyên chính, thì sự dối trá đương nhiên tha hồ tung hoành và bành trướng. Cơ chế nói dối lên ngôi độc quyền, từ đó sản sinh ra thứ văn hóa bịt miệng, biểu tượng của tính đảng và cốt lõi của nền văn hóa đảng trị!
Việc cắt xén hay chế biến câu nói của người khác chính là một trong những biểu thị của cơ chế nói dối và của nền văn hóa đảng trị - một thủ thuật gian trá phá đám được khai thác tối đa nhằm khuếch đại hận thù, đố kỵ và hạ nhục hầu gây phân hóa, chia rẽ giữa người dân với nhau để củng cố và đẩy mạnh nền cai trị độc đảng, độc tài và độc đoán lên đỉnh cao chót vót của quyền lực vậy.
Việc một câu nói của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt trong bài phát biểu của ngài trước một cuộc họp tại văn phòng UBND TP Hà Nội bị cả chính quyền thành phố Hà Nội lẫn các bộ phận truyền thông quốc doanh độc thoại đồng loạt cắt xén, chỉ đăng tải một phân đoạn giáo đầu, rồi diễn giải một cách sai lạc để chụp mũ, kết tội và nhất là để triệt hạ uy tín của thẩm quyền tôn giáo, đó là bằng chứng cụ thể hiển nhiên cho thấy sự lộng hành của cơ chế nói dối và nền văn hóa đảng trị ấy. Một hành vi hạ cấp đê tiện bộc lộ trọn vẹn sự bất lương trắng trợn và trơ trẽn chưa từng thấy! Miễn sao kẻ cầm quyền được thỏa mãn hả hê khi ý đồ đen tối của họ đạt được: bôi nhọ lãnh đạo tôn giáo, để từ đó tiến tới “phi nghĩa hóa” chính nghĩa đấu tranh đòi công bằng của người Công giáo trong vụ đất đai Tòa Khâm sứ và Thái Hà!!!
Bất cứ người lương thiện nào khi đọc trọn vẹn câu nói của ĐTGM Ngô Quang Kiệt cũng đều nhìn nhận rằng ngài không hề nhục nhã về dân tộc mình, mà nhục nhã về nhiều mặt yếu không đáng phải yếu do cái cơ chế ngăn chặn sự thăng tiến của dân tộc Việt Nam tạo nên bằng việc thao túng những nghi kỵ, chia rẽ, trì trệ, hủ bại về cả ba mặt dân tâm, dân sinh và dân trí… Sau khi bày tỏ tâm trạng nhục nhã của mình, Đức Cha Kiệt nói lên ngay cái hoài bão trong sáng của mình, cái ước vọng tự sâu thẳm của lòng mình, rằng “Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng” . Tại sao lại gạt phăng lời tâm huyết tích cực ấy đi một cách vô liêm sỉ đến như vậy? Người tự trọng và có lương tri không ai manh tâm chẻ đôi chẻ ba lời nói của người khác ra khỏi mạch văn hay ngữ cảnh của nó để đạt một mục đích đê tiện của mình!
Thử hỏi Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có phản bội dân tộc mình không khi ngài mạnh mẽ phê phán: “Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn” trong bài Hịch Chiến sĩ của ngài?
Còn nhà văn Nguyễn Khải thì tâm sự: “Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “tự hào dân tộc” nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi! Mà rồi sao nhỉ? Là như mỗi chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy!” (Đi tìm cái tôi đã mất, cuối chương 8).
Rồi sao? Rồi chết toi cái tự hào, cái kiêu hãnh kia đi khi mà chủ nghĩa Cộng sản bỗng chốc tiêu vong cùng với sự sụp đổ tan tành của thành trì Liên Bang Xô Viết vĩ đại đấy!
Nhà văn CS minh họa thói nói dối trong giới quan chức các nước xhch
Nhắc tới nhà văn Nguyễn Khải, chúng ta không quên Nguyễn Khải là một cán bộ tuyên truyền của chính quyền CSVN, là đại tá trong quân đội Cộng sản, Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn VN (do CSVN lãnh đạo và chỉ đạo) và là đại biểu Quốc Hội CSVN.
Hầu như suốt cả cuộc đời làm văn nghệ, Nguyễn Khải hết lòng phụng sự đảng, luôn luôn làm tròn ý đảng và lắm lúc trở thành cây roi của đảng quất mạnh vào những văn nghệ sĩ “hữu khuynh” hay “chệch hướng”. Các tác phẩm của Khải đều mang dấu ấn đấu tranh giai cấp đến cuồng nhiệt. Y hệt văn nô CSVN Chế Lan Viên, Nguyễn Khải đã để mặc nhóm lãnh đạo độc tài toàn trị bóp nghẹt tài năng, làm hèn đi con người lẽ ra không đến nỗi hèn. Và rồi cũng muộn màng như Chế Lan Viên với bài thơ Cái bánh vẽ, Nguyễn Khải đến cuối đời (năm 2006) mới dám bộc lộ cái nhìn thật của mình, nhìn vào mình và nhìn vào chế độ, từ đó thay đổi não trạng – tuy hơi muộn màng để viết nên những trang tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” , phơi bày cái hèn của mình và tố cáo trước dư luận cái bỉ ổi của “đảng ta” trong cái xã hội gọi là xã-hội-chủ-nghĩa mà ông đã hết lòng phụng sự. Khải dành hẳn một đoạn dài của thiên tùy bút để mô tả các khía cạnh khác nhau có thói gian dối trong cái xã hội xã-hội-chủ-nghĩa ấy.
Bài viết của chúng tôi đã dài, nhưng có lẽ vẫn còn thiếu sót nếu độc giả chưa đọc đoạn văn độc đáo của Nguyễn Khải. Càng đọc, càng thấy thấm thía. Xin độc giả kiên nhẫn bỏ thêm chút thời giờ để nghe Nguyễn Khải luận về ngôn từ, tức lời nói trong các nước Cộng sản:
“Ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, ‘nói vậy mà không phải vậy’! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế.”
Vụ truyền thông Nhà nước CSVN cắt xén lời phát biểu của vị Giám mục Giáo phận Hà Nội là một điển hình minh chứng xác thực việc chính quyền chuyên chế xét nét lời ăn tiếng nói của dân, cắt xét nó, tạo cho nó một ý nghĩa khác với văn mạch nhằm đánh lạc hướng công luận đang có chiều hướng bất lợi và thậm chí nguy hiểm cho họ.
Nguyễn Khải viết tiếp: “Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ ‘gỗ’, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy.
Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình.
Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.” (Nguyễn Khải; Đi tìm cái tôi đã mất. Chương 18).
Vì sao người dân cũng nói dối, nói che đậy? Phải chăng bởi vì họ đã từng được lãnh đạo chẳng những dạy dỗ mà còn ép họ phải làm như vậy? Câu chuyện trao đổi giữa Đức Hồng y Trịnh Văn Căn và Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận nêu trên đã vạch trần điều đó. Nhưng thói đời nói dối và che đậy không chỉ lưu thông trong huyết quản của kẻ cai trị và truyền sang cho người bị trị, mà còn len lỏi xâm nhập vào cả môi trường giáo dục.
Ở đây xin nhắc lại mối quan tâm của HĐGMVN đặc biệt đối với lãnh vực giáo dục: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. ”
Tiêm virus gian dối vào giáo dục
Nhiều người phải rùng mình khi nghe ở Việt Nam thỉnh thoảng có những tên mắc bệnh SIDA (AIDS) dùng ống kim chứa máu có virus HIV tiêm vào đối tượng khi tống tiền không được. Con virus HIV vô cùng nguy hiểm vì nó là virus giết người. Nhưng con virus DỐI TRÁ thì nguy hiểm gấp bội. Nó giết chết lương tri con người và làm băng hoại tuổi thơ nếu nó được gieo rắc vào môi trường giáo dục.
Chế độ Cộng sản chính là thủ phạm tiêm con virus DỐI TRÁ vào cả cơ chế xã hội lẫn cơ thể giáo dục. Người thầy bị nhiễm virus DỐI TRÁ ắt dễ dàng truyền con virus ấy vào máu thịt trẻ con, nhồi nhét sự gian dối vào tận óc não chúng, khiến tuổi thơ hư hỏng, lương tri chúng nếu không trở thành chai cứng thì cũng hóa nên lệch lạc. Sự dối trá trở thành nếp sống bình thường.
Rồi thì một kiểu sinh hoạt học đường vô cùng linh động, hoạt náo diễn ra: nhờ thầy cô bày đường dẫn lối các em đua nhau lừa dối với thanh tra, đua nhau lươn lẹo trong điểm số thường ngày, gian lận trong thi cử, trong thành tích, trong kết quả học tập và bằng cấp, về tới nhà là lừa cha, phỉnh mẹ. Trong số những trẻ này khi lớn lên, biết đâu có người cũng sẽ trở thành những thứ công bộc gian dối, nhờ học đòi LƯU MANH, DỐI TRÁ từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Ngày 30/6/2006, báo Tuổi Trẻ đăng tải một bức tâm thư gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tác giả bức thư ký tên Quỳnh Anh, một người dân ở Đà Nẳng.
Quỳnh Anh viết: "Làm sao yên lòng khi tôi thường xuyên dạy con không được cóp bài bạn, không được sử dụng tài liệu trong thi cử nhưng đọc báo thấy chuyện gian lận trong thi cử ngày càng trắng trợn?
"Làm sao yên lòng khi cháu tôi về kể lại rằng trước khi vào tiết thao giảng, cô giáo của cháu dặn tất cả học sinh đều phải giơ tay phát biểu khi cô hỏi, nhưng em nào biết thì đưa tay thẳng, em nào không biết thì đưa tay hơi cong cong để cô biết chừng (nói có trời đất, đây là chuyện hoàn toàn có thật, không phải chuyện tiếu lâm)".
Trần Hồng Hạnh, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội chia sẻ: [5]"Ngay từ lớp một, học sinh đã nói dối, vậy nên khi đến tuổi chúng em, hà cớ gì lại không nói dối?"
Ôi! Chua xót!
VietnamNet ngày 14/7/2006 có đăng bài viết "Cử Nhân Xấu Hổ" của Phan Hữu Dương ở Hà Nội, trong đó tác giả viết: "Tôi không có ý phủ định những thành tựu của nền giáo dục nước nhà, nhưng tệ nạn chạy theo bằng cấp, mua bằng cấp mua điểm, phần lỗi không chỉ của ngành giáo dục mà có phần lỗi mang tính hệ thống của hiện trạng nói dối, của bệnh thành tích đang tràn lan trong mọi lĩnh vực của đời sống, có 'nhắm mắt' cũng thấy được".
Tác giả bài viết báo động: "Sự giả dối, lừa lọc ngự trị và sẽ thành “chuẩn mực” và quy luật phổ quát của xã hội nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ…"
Giáo sư Hoàng Tụy than thở [6]: “Hiện nay thói gian dối trong xã hội và nhà trường của ta rất trầm trọng… Học trò gian lận trong thi cử; thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục dối trá khi báo cáo thành tích… Như thế sản phẩm giáo dục làm sao tốt được?” Ông Hoàng Tụy kết luận: “… Muốn cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phải trừ tận gốc nạn gian dối…” Nói vậy, nhưng thực hiện được như vậy khó lắm! Ai đội đá vá trời? Ai trừ được khi cái gốc nạn gian dối nằm trên đỉnh quyền lực chuyên chế?
Nhưng với thời đại này, chúng ta không đến nỗi bi quan. Bởi vì:
Kết luận
Sự lừa dối trước sau gì rồi cũng sẽ bị vạch mặt và bị phỉ nhổ, nhất là ở thời đại kỹ thuật điện tử này. Thomas L. Friedman [7], tác giả cuốn Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu [8], có kể câu chuyện lừa dối của Cộng sản Liên Xô như sau: "Trong những năm 80, ở Liên Xô, trên tờ Pravda [9], có tấm ảnh được chú thích là 'dòng người chờ phát chẩn ở Hoa Kỳ'. Nhưng nhìn kỹ tấm hình thì ra đó là dòng người xếp hàng trước cửa hiệu bánh mỳ Zabar's ở Manhattan [New York] vào một sáng Thứ Bẩy.”
Kể xong câu chuyện, ông Friedman cảnh cáo: “Đừng có dở cái trò đó thời nay - thậm chí ở Trung Quốc! Một khi người ta có Internet.”
Chính quyền độc tài đảng trị càng dùng hạ sách để truy bức những người quảng bá sự thật và tự do dân chủ qua Internet, Internet càng làm nổi bật giá trị dân chủ hóa của chính công nghệ kỹ thuật số ấy (Internet). Thomas L. Friedman trích dẫn một câu nói để đời của ông Lawrence Grossman nguyên Chủ tịch hãng Truyền hình NBC nói về quá trình dân chủ hóa công nghệ như sau:
"In ấn: biến chúng ta thành độc giả.
Photocopy: biến chúng ta thành những nhà xuất bản.
Truyền hình: biến chúng ta thành khán giả.
Và công nghệ số hóa [tức Internet]: cho phép chúng ta trở thành các hãng truyền thông" (sđd, trang 109).
Trong các vụ bách hại những công dân vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, các vụ đàn áp người khiếu kiện đất đai và dân oan trong nước, nếu không có internet, bàn dân thiên hạ cả trong lẫn ngoài nước khó mà nhận rõ và đánh giá chính xác những gì “Cộng sản nói” với những gì “Cộng sản làm” và từ đó chuyện bị mắc lừa là chuyện cơm bữa vậy.
*************
Chú thích:
[1] Tùy bút « Đi tìm cái tôi đã mất » của Nguyễn Khải, một cán bộ tuyên truyền của chính quyền CSVN, trong quân đội có cấp bậc đại tá, Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn VN và là Đại biểu Quốc Hội.
[2] Xuân Vũ, tên thật là Bùi Quang Triết, sinh năm 1930 tại tỉnh Bến Tre, tham gia kháng chiến chống Pháp lúc 15 tuổi, gia nhập đoàn thiếu nhi cứu quốc do Trần Bạch Đằng chỉ huy. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1958, được kết nạp vào Hội nhà văn. Năm 1965 được tham gia chiến trường miền Nam với nhiệm vụ sáng tác văn nghệ cổ súy tinh thần chiến đấu trong bộ đội. Nhân dịp này, ông bỏ hàng ngũ Cộng sản, trở về hàng ngũ quốc gia. Từ đó ông sáng tác nhiều hơn. Các tác phẩm của ông phần lớn có sức thu hút mạnh vì lối hành văn khá linh hoạt và lôi cuốn.
[3] Những trích dẫn từ cuốn Un Excommunié (có người dịch là Kẻ Bị Khai Trừ, người khác dịch là Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông theo nguyên ngữ excommunié) của Ls Nguyễn Mạnh Tường lấy từ cuốn Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư của Minh Võ.Thông Vũ xuất bản. CA, 1999. Các đoạn trích từ hồi ký Tôi Bỏ Đảng của Hoàng Hữu Quýnh hay từ "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn, hoặc của Xuân Vũ... cũng thế.
[4] Kỷ sư, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại VN.
[5] Giơ tay phát biểu là trò lừa dối, thường học sinh bị bắt phải biểu diễn trong các cuộc thanh tra nhà trường hơn là trong các giờ học bình thường.
[6] Hoàng Tuỵ: Cần thay đổi cách nhìn đối với giáo dục. Trích từ quyển “Giáo Dục – Những lời tâm huyết. NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2006.
[7]Thomas L. Friedman là một nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, bình luận viên quan hệ quốc tế của The New York Times. Thomas L. Friedman là một trong những nhà bình luận hàng đầu của nước Mỹ về quan hệ quốc tế. Sinh năm 1953 tại Minneapolis, ông đã học tại Đại học Brandeis và Trường St. Anthony, Đại học Oxford. Cuốn sách đầu tay của ông Từ Beirut đến Jerusalem đoạt giải National Book Award năm 1988. Friedman cũng đoạt hai giải thưởng Pulitzer trong thời gian làm Trưởng phân xã tờ The New York Times tại Beirut và Jerusalem. Friedman hiện sống ở Bethesda, Maryland, cùng vợ là Ann và hai con gái là Orly và Natalie.
[8] Cuốn The Lexus And The Olive Tree, Lê Minh dịch, NXB Khoa Học Xã Hội, 2005, do Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn tài trợ. Chúng tôi trích dẫn từ bản dịch hơn 700 trang của Lê Minh. Cuốn sách bàn về toàn cầu hóa, trong đó tác giả dành ra Chương 4 "... Rồi những bức tường theo nhau sụp đổ" để đề cập tới hiệu quả dân chủ hóa mà Internet tác động trên các chính thể độc tài.
[9] Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô trước thập niên 90, giống như tờ Nhân Dân của CSVN từ trước đến nay.